28 bộ, ngành, địa phương hoàn thiện liên thông văn bản điện tử dùng chữ ký số với VPCP

Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã hoàn thiện liên thông gửi nhận văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số chuyên dùng với UBND 14 tỉnh, thành phố cùng 2 bộ Y tế, VHTT&DL; và hiện đang tiếp tục hoàn thiện liên thông với 12 bộ, ngành, địa phương nữa.
Thông tin nêu trên vừa được Văn phòng Chính phủ cho biết trong báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2017 và nhiệm vụ trọng tâm quý I/2018.

VPCP cho biết đơn vị này đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương còn lại để sớm hoàn thiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản có sử dụng chữ ký số chuyên dùng (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).
VPCP cũng cho biết, về xây dựng Chính phủ điện tử, trong năm nay, đã có 26/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới VPCP, hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan, đơn vị.

Bên cạnh đó, VPCP đã hoàn thiện liên thông gửi nhận văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số chuyên dùng với UBND 14 tỉnh, thành phố gồm TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thái Bình, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh và 2 bộ: Y tế, Văn hóa-Thể thao và Du lịch; đồng thời đang tiếp tục hoàn thiện liên thông với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và với 10 UBND tỉnh,  thành phố Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Hòa Bình, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Sóc Trăng. Ngoài ra, VPCP đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương còn lại để sớm hoàn thiện kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản.

Bên cạnh đó, VPCP đang triển khai tích hợp thông tin kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (theo Quy chế được ban hành kèm theo Quyết định 42 ngày 27/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ) lên hệ thống kết nối liên thông cập nhật tình hình, theo dõi kết quả một cách tự động và trực tuyến.

Nhiệm vụ xây dựng Đề án thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia từ nguồn kinh phí Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam cũng đang được VPCP triển khai. Thời điểm hiện tại, hệ thống thử nghiệm Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp một số dịch vụ công mức độ 3, 4 từ một số bộ, ngành, địa phương.

VPCP đang tổ chức xây dựng và hoàn thiện Quy chế gửi, nhận văn bản điện tử trên hệ thống quản lý văn bản 4 cấp chính quyền trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; xây dựng hệ thống tiếp nhận, theo dõi và tổng hợp các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Thực hiện Quyết định 574 ngày 25/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, VPCP đã đưa hệ thống nâng cấp vào hoạt động chính thức.

Cùng với đó, công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng của VPCP cũng được đặc biệt chú trọng. VPCP đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng cho các hệ thống thông tin quan trọng trên mạng nội bộ, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước và mạng Internet.

Trên cơ sở quy định của Quy chế 1364, VPCP đã ban hành các Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ Chính phủ; hướng dẫn điều phối hoạt động ứng cứu sự cố an toàn an ninh thông tin mạng tại VPCP. Đồng thời, phối hợp với các Bộ Quốc phòng, Công an, TT&TT trong công tác kiểm tra, giám sát, cảnh báo và hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa về các đợt tấn công mạng. Định kỳ hàng tháng, phối hợp kiểm tra an ninh đối với  tất cả các thiết bị CNTT trước khi diễn ra các phiên họp thường kỳ Chính phủ. Ngoài ra, VPCP còn phối hợp triển khai hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng tập trung phòng, chống tấn công có chủ đích đánh cắp dữ liệu, phá hoại hệ thống của Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử được Chính phủ ban hành ngày 14/10/2015 hướng tới mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Tại Nghị quyết này, bên cạnh nhiệm vụ chủ trì, phối hợp cùng Bộ TT&TT và các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng Chính phủ điện tử, triển khai các giải pháp được nêu trong Nghị quyết 36a, VPCP cũng được giao các nhiệm vụ như: chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản; Thiết lập hệ thống điện tử lấy ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác nhằm giảm thời gian xây dựng văn bản; thiết lập mạng xã hội-chính quyền để người dân tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Thiết lập Cổng dịch vụ công Quốc gia để tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương; ban hành danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để các bộ, ngành, địa phương thực hiện; Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ…
Theo ictnews.vn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Hướng dẫn cài đặt Usb Token chữ ký số Viettel

Kiểm tra thời hạn chữ ký số NewCA

Giới thiệu về nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng NEWTEL-CA